Trong phần trước, tôi đã trao đổi về vai trò của các hormone sinh sản trong chu kỳ sinh sản của heo nái. Trong bài này, chúng tôi xin trao đổi với các bạn chi tiết hơn về vai trò của các hormone sinh sản này và ứng dụng chúng trong quản lý cũng như tăng năng suất đàn heo nái.
Việc sử dụng các hormone sinh sản trong quản lý đàn heo nái sẽ giúp giảm chi phí và công lao động, tăng hiệu quả, năng suất đàn nái. Điều này được các nước phát triển đang áp dụng rất phổ biến và rộng rãi.
Trong bài viết này, tôi xin trao đổi với các bạn một số hiện tượng gặp phải trên con nái và ứng dụng các hormone sinh sản để giải quyết các hiện tượng đó.
- Chứng hiện tượng tồn tại thể vàng dẫn đến chậm động dục.
- Viêm tử cung ảnh hưởng đến động dục.
- Heo hậu bị chậm lên giống so với bình thường.
- Heo nái đang nuôi con nhưng lại lên giống.
- Heo cai sữa rồi mà 7 ngày vẫn chưa lên giống.
- Làm thế nào để gây động dục hàng loạt
Bình thường, khi thấy heo nái có biểu hiện động dục (lên giống), đây chính là lúc ta cần phải phối cho heo nái. Ở một số trại thường áp dụng quy trình phối cho heo nái như sau, đem lại hiệu quả khá tốt:
- Nếu là hậu bị, thì lần đầu bỏ, không phối --> 12 giờ sau: phối lần 1 --> 12 giờ sau: phối lần 2
- Nếu là nái: phối lần 1: 12 giờ sau khi thấy biểu hiện lên giống --> 12 giờ sau: phối lần 2.
Vai trò và ứng dụng của hormone Protasglandin
Như ta đã biết, hormone Protasglandin do nội mạc tử cung tiết ra, tham gia vào quá trình tiêu biến thể vàng --> ức chế hormone Progesteron. Tuy nhiên, có thể do quá trình thụ tinh cho heo nái, hay một lý do nào đó dẫn đến Viêm tử cung của heo nái. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến lượng tiết Prostasglandin F2α - PGF2α, dẫn đến ảnh hưởng lượng PGF2α không đủ để tiêu biến thể vàng --> chậm lên giống, vô sinh do tồn tại thể vàng.
Điều này cũng giải thích vì sao khi heo nái bị viêm tử cung thì dẫn đến heo nái chậm lên giống, hay có khi vô sinh.
Việc sử dụng Protasglandin cũng được dùng để tham gia vào quá trình gây động dục hàng loạt. Do ta không thể biết được chính xác heo nái nào nằm trong giai đoạn noãn nang hay hoàng thể trong chu kỳ sinh sản, đặc biệt là đàn hậu bị mới bắt về. Bởi vậy, ta sử dụng Protasglandin để phá vỡ thể vàng (trong giai đoạn hoàng thể) cho tổng đàn: những heo nái nào nằm trong giai đoạn hoàng thể sẽ được phá vỡ thể vàng, quay lại bắt đầu một chu kỳ mới, còn những heo nái nào nằm trong giai đoạn noãn nang thì không có ảnh hưởng gì do giai đoạn này không có thể vàng tồn tại. Vai trò của Protasglandin ở đây là đưa tất cả đàn heo về bắt đầu một chu kỳ mới. Sau đó, ta sẽ sử dụng hormone LH + FSH để gây động dục hàng loạt, tôi sẽ trình bày rõ hơn ở phần bên dưới đây.
Hormone LH, FSH
Vai trò của 2 hormone này làm cho trứng phát triển, thành thục, chín và rụng. Bởi vậy, 2 hormone này được sử dụng gây động dục hàng loạt sau khi sử dụng Protasglandin như đã trình bày ở trên sau 24 giờ. Tức là sau khi tiêm Protasglandin 24 giờ, ta sẽ tiêm LH và FSH (tỷ lệ LH/FSH : 3/1).
Nếu ta không sử dụng Protasglandin mà chỉ sử dụng LH và FSH, thì sự hiệu quả trong việc động dục heo nái sẽ giảm hơn rất nhiều do có thể khi ta sử dụng FSH và LH vào đúng giai đoạn hoàng thể của heo nái.
* Trường hợp heo nái đang nuôi con nhưng lại có hiện tượng lên giống:
Nguyên nhân do heo nái đã bị mất sữa khoảng 5 ngày sau đẻ, khi đó prolactin bị dừng lại, có nghĩa là LH + FSH đồng thời sẽ tăng lên, dẫn đến hiện tượng động dục.
Để khắc phục hiện tượng này, ta sẽ tiêm Protasglandin, sau đó 24 giờ, ta tiêm FSH + LH. Sau tối đa 5 ngày, heo sẽ động dục trở lại, bắt đầu một chu kỳ sinh sản mới. Trong trường hợp này, ta cần quan tâm nhiều hơn đến heo con, bởi heo con bị bắt buộc phải cai sữa sớm (do con mẹ mất sữa sớm), nên ta có thể tập ăn sớm cho heo con.
Vai trò của Tuyến yên trong đó có FSH+LH và Prolactin (tuyến vú)
* Trường hợp Heo cai sữa rồi mà 7 ngày chưa lên giống.
Lý do là vì một nguyên nhân nào đó, có thể là do Viêm hoặc do tồn tại thể vàng, prolactin đang cao. Tất cả nguyên nhân này làm cho lượng Progesteron cao, nó sẽ ức chế LH và FSH, gây lên hiện tượng chậm động dục.
Trường hợp này ta có thể dựa vào chu kỳ sinh sản của heo nái đó (ta ghi chép theo dõi), ta sẽ tiêm FSH và LH vào đầu giai đoan noãn nang (tức là ngày thứ 15, 16) của chu kỳ sinh sản. Sau tối đa 5 ngày thì động dục trở lại.
Để chắc chắn hơn, ta cũng có thể tiêm thêm Protasglandin trước khi tiêm FSH + LH khoảng 24 giờ để ức chế hoàn toàn Progesteron.
Việc sử dụng LH và FSH rất hiếm và tốn kém. Bởi vậy, trong thực tế, người ta thường sử dụng 2 hormone có vai trò tương tự đó là HCG và PMSG:
- HCG (Human Chorionic Gonadotropin): là kích tố của nhau thai người, kích tố của phụ nữ có chửa. Về chức năng sinh lý, nó gần giống với hormone LH.
- PMSG (Pregnant Mare Serum Gonadotropin) - huyết thanh ngựa chửa: là hormone của nhau thai ngựa, hormone này có chức năng gần giống với hormone FSH.
Hormone Progesteron
Dựa vào vai trò của hormone Progesteron mà người ta thường sử dụng nó trong việc an thai nhằm tránh hiện tượng sảy thai sớm. Ngoài ra, do Progesteron có vai trò ức chế động dục, nên người ta sử dụng Progesteron trong trường hợp ta không muốn vật nuôi hoạt động sinh dục; điều này thường được áp dụng đối với thú cánh như chó, mèo, ít khi hoặc dường như không sử dụng đối với heo.
Có một việc cần lưu ý nữa khi sử dụng các hormone sinh sản này vào trong quá trình quản lý đó là là sử dụng đúng liều. Việc sử dụng hormone không đúng liều sẽ làm mất cân bằng nội tiết tự nhiên, vì một hormone với nồng độ khác nhau có thể ảnh hưởng ngược (feedback) dương tính hay âm tính đến trao đổi chất trong cơ thể.